Home LifestyleCông việc Mình làm gì khi content bị flop liên tục?

Mình làm gì khi content bị flop liên tục?

by admin

Với những nhà sáng tạo nội dung, việc content bị flop có lẽ là một nỗi ám ảnh thường trực. Bài viết này mình không hứa hẹn sẽ mang lại kiến thức mới, chỉ là một chia sẻ nho nhỏ đến những bạn mới xây kênh như mình. Nếu có gì chưa đúng, mình rất mong nhận được những lời góp ý của mọi người.

Trong lần đầu xây kênh, mình chọn Tiktok để đăng nội dung trước vì tự tin rằng lượt view sẽ không quá tệ, ít nhất cũng tầm 1000 views. Nhưng mà hong bé ơi! 7 video mình đăng liên tục trong 1 tuần đều không quá nổi 150 views. (-.-“)

Buồn và nản chứ! Cái sự buồn này nó bắt đầu vào khoảng video thứ 3 và khi đăng đến cái thứ 7 thì mình chấp nhận là có gì chưa đúng ở đây rồi! Mình không dám đăng tiếp mớ content soạn sẵn vì nghĩ đằng nào cũng thế thôi.

Sau vài ngày cố gắng vượt qua sự nản chí, nay mình đã đúc kết được vài kinh nghiệm quan trọng và có động lực đi tiếp. Mình sẽ chia sẻ qua bài viết này để những ai đang giống mình sẽ không bỏ cuộc ở qua giai đoạn này nha.

Những việc mình làm khi content bị flop

mình làm gì khi content bị flop?

Không “đổ thừa” nền tảng

“Nền tảng bóp tương tác” là lý do đầu tiên mình nghĩ tới, nhưng số lượt view vẫn đều đặn 100 – 150 mà lượng followers không hề tăng. Vậy suy ra video của mình vẫn tiếp cận được người dùng, nhưng nó chưa đủ hấp dẫn và tương tác tốt để thuật toán tiếp tục phân phối đến nhiều người hơn. Thế nên lượt view chỉ dừng lại ở con số đó mà thôi.

Bình tĩnh và chậm lại

Dù dành nhiều thời gian và cố gắng chăm chút content nhưng kết quả không như ý, nên mình đã thất vọng và nghi ngờ những việc đang làm. Cảm giác này còn tệ hơn khi mình thấy người khác đạt được chục ngàn view khi đăng video đầu tiên, vì vậy mình đã chọn cách tạm thời tránh xa thế giới ảo.

Tâm trí mình lúc này như một hồ nước bị khuấy tung – đục ngầu và mù mờ. Dù rằng trong đầu cứ văng vẳng câu hỏi: “Phải làm gì tiếp theo đây?”, mình vẫn quyết định dẹp công việc sang một bên và dành ra 2 ngày để KHÔNG SUY NGHĨ GÌ. Mình chỉ làm những việc thư giãn như nghe podcast, đọc sách và nấu ăn, để mọi vẩn đục lắng xuống và nhìn thấu sự việc hơn.

Nhận ra hiệu ứng FOMO

Mình nhận ra mấu chốt quan trọng cho mớ bòng bong này: đó là cảm giác FOMO – sợ bỏ lỡ.

Lý do ban đầu mình chọn Tiktok để bắt đầu xây kênh là vì độ hot của nền tảng này. Mình xem nó như một “miền đất hứa” mà nếu không nhanh chóng tham gia vào thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Mình vội vàng đăng content rồi đặt nhiều kỳ vọng vào nó mà quên rằng mỗi nền tảng sẽ phù hợp với những đối tượng và nội dung khác nhau.

Mình không thể mong đợi video nghiêm túc, khô khan lại nhanh chóng viral trên nền tảng ưu tiên sự giải trí và đổi mới liên tục như Tiktok. Ngoài ra, tính cách hướng nội và chậm rãi của mình có lẽ phù hợp với Youtube hơn. Ừ nhỉ, sao phải cố gắng “đu” theo một nền tảng đang hot dù nó không hợp với con người và nội dung mình muốn truyền tải?

Quan sát và phân tích

Khi chỉ ra được hiệu ứng FOMO, mình đã thả lỏng suy nghĩ “chinh phục” Tiktok và san sẻ nhiều sự chú ý hơn cho Facebook, Instagram và Youtube. Mình tập quan sát những content creators yêu thích và nhận ra lượt follow của họ trên các nền tảng có sự chênh lệch khá nhiều. Ví dụ, kênh Instagram tuy có lượng followers rất cao (80k) nhưng Tiktok thì ít hơn rất nhiều (15k).

Mình đã hiểu rằng mỗi content creator sẽ có một “mảnh đất” phù hợp cho mình, vì nơi đó có tệp người xem đúng với chủ đề và phong cách của kênh. Nếu bạn yêu cái đẹp và hào nhoáng, hãy vào Instagram. Nếu bạn cần nội dung chậm rãi và chi tiết, hãy vào Youtube. Muốn có nhiều kết nối, thảo luận hơn thì Facebook dành cho bạn. Cuối cùng, Tiktok là sân chơi của tốc độ và xu hướng mới.

Review lại nội dung của mình

Sau khi vượt qua “chấp niệm” Tiktok, tiếp đến mình xem lại tất cả nội dung đã làm để hiểu vì sao nó không thu hút và cần cải thiện ở đâu. Thế là nhìn ra một đống lỗi do mình áp dụng rất ít những điều căn bản đã học, mà chỉ háo hức soạn nội dung mà bản thân cho rằng nó hấp dẫn.

Mình không có luồng content xuyên suốt theo chủ đề mà thích gì làm nấy. Mình cũng chưa có quy trình sản xuất nội dung một cách logic, dẫn đến việc bị bí ý tưởng và đăng tải không đều đặn (sự đều đặn là một yếu tố rất quan trọng để giữ chân người xem và giúp kênh phát triển nhanh hơn).

Content của mình cũng không có tiêu đề thu hút hay câu chuyện để kể mà chỉ là kiến thức khô khan, một màu. Vì vậy chúng không nhắm đến đối tượng mục tiêu nào cả, nên những ai lướt qua video của mình đều không thấy họ trong đó để dừng lại xem hết.

Cho nên, mình đã xây dựng lại tuyến nội dung nhất quán và thêm thắt câu chuyện vào để tạo thêm trải nghiệm cá nhân. Ngoài ra, mình sửa lại tiêu đề cho thu hút và content phải nhắm đến người xem cụ thể. Mình luôn tự dặn bản thân là: “Không phải nội dung gì mình thích hoặc thấy hay thì người khác cũng giống mình. Phải luôn đặt mình vào vị trí người xem”.

Chọn nhịp độ vừa sức

Nếu bạn từng xem những bài hướng dẫn xây kênh Tiktok, chắc bạn cũng nghe qua một quy tắc là trong 30 ngày đầu tiên phải đăng đều đặn mỗi ngày ít nhất 1 video. Điều này giúp nền tảng nhanh chóng nhận diện chủ đề của kênh và phân phối đến tệp người xem phù hợp. Mình đã cảm thấy việc tạo video mỗi ngày là quá sức, nhưng vẫn cố làm cho đúng theo hướng dẫn. Nhưng kết quả là những nội dung mình tạo ra chỉ đạt về số lượng, còn chất lượng thì hên xui! Không chỉ vậy, việc ép bản thân tạo nội dung khiến đầu óc mình luôn căng thẳng và sức sáng tạo giảm đi rõ rệt.

Sau đó, mình may mắn xem một video hướng dẫn xây kênh của youtuber Modern Millie, qua đó mình biết đến khái niệm mới là Cadence (nhịp điệu) trong quá trình sản xuất content.

Tìm ra nhịp điệu sản xuất content đã giúp mình lên lịch nội dung hiệu quả và bám sát khả năng thực tế của bản thân. Mille nhấn mạnh rằng chúng ta không nhất thiết phải đăng tải nội dung mỗi ngày mà hãy chọn cho mình một nhịp điệu mà bản thân có thể theo kịp và duy trì được nó đều đặn trong nhiều tháng (be consistent).

Ví dụ, nếu bạn chỉ có thể tạo ra 3 bài đăng mới mỗi tuần, điều đó hoàn toàn ổn! Bạn có thể chọn nhịp đăng tải của mình là 3 ngày trong tuần (thứ 2 -4-6), và cố gắng duy trì đúng nhịp điệu đó. Việc đăng nội dung ít hơn nhưng bền bỉ nhiều tháng vẫn tốt hơn là đăng liên tục suốt 30 ngày rồi phải tạm dừng vì kiệt sức.

Nếu bạn lo lắng người xem sẽ quên mình khi không có content mỗi ngày? Chỉ cần bạn ấn định ngày nào trong tuần sẽ có content mới và thông báo cho người theo dõi của mình, họ sẽ không bỏ lỡ đâu!

Bạn có thể xem video hướng dẫn của Modern Mille tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=URvQg7JuUfA

Luôn là chính mình khi làm content

Khi những video đầu tiên đăng bị flop, mình đã thử chèn hiệu ứng hài hước vào các video sau với hy vọng tăng lượt view, dù tính cách mình không phải như vậy. Chắc bạn đoán được kết quả rồi – vẫn flop!

Rồi mình quan sát các content xuất hiện trên xu hướng và nhận ra 1 điểm chung – đó là sự chân thật.

Dù là content thuộc thể loại hài, đu trend, tâm sự hay chia sẻ kiến thức thì những giá trị chúng đem lại đều xuất phát từ tính cách tự nhiên của creator. Cho nên, nếu mình cố gắng đóng vai một ai đó, không xuất phát từ con người thật thì sẽ trở nên gượng gạo, mất tự nhiên. Người xem rất thông minh để nhận ra ngay sự gượng ép và đó có thể là yếu tố khiến họ quyết định không follow mình.

Nếu bạn có những trải nghiệm quý giá khác trong hành trình xây kênh, hãy cùng chia sẻ dưới phần comment nhé! Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình.

Có thể bạn cũng thích

Leave a Comment

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Copyright @2023 Nhà của Ngân

DMCA.com Protection Status