Table of Contents
Mỗi lần vo gạo nấu cơm, mẹ của mình luôn giữ lại một bình nước vo gạo để tưới cây. Rồi thời mình bị mụn nặng, cũng được rỉ tai rằng hãy rửa mặt bằng nước vo gạo. Những việc trên khiến mình khá tò mò về loại nguyên liệu quen thuộc này, liệu có còn những công dụng hữu ích nào khác không?
Mình đã tìm hiểu một số cách sử dụng nước vo gạo hay ho và tổng hợp chúng trong bài viết sau đây. Hy vọng sẽ giúp ích đến bạn 😉
Có thể tẩy rửa bằng nước vo gạo ư?
Nước vo gạo có thể dùng như một chất tẩy rửa nhẹ dịu, nhờ tính axit yếu cùng vô số hạt tinh bột lơ lửng giúp tăng sự ma sát và loại bỏ các vết bẩn hiệu quả.
Những việc vệ sinh mà bạn có thể dùng nước vo gạo gồm: làm sạch vết nước đọng trên cửa kính nhà tắm, làm sáng vòi nước, tẩy vết rỉ sét nhẹ, hoặc vệ sinh nhẹ nhàng đồ dùng nhà bếp bằng thủy tinh, gốm sứ, kim loại.
Có một điều nước vo gạo sẽ không làm được đó là loại bỏ dầu mỡ. Chất tẩy rửa có khả năng đánh bay dầu mỡ cần có tính kiềm với độ pH từ 8 trở lên (theo Cleanfax), trong khi nước vo gạo có tính axit nhẹ, độ pH khoảng 6 (theo Live Strong).
3 lưu ý khi sử dụng nước vo gạo
Lưu ý 1
Vì nước vo gạo tính axit nhẹ kèm theo nhiều cặn tinh bột sót lại, bạn nên tránh sử dụng trên các bề mặt dễ bị hư hại khi tiếp xúc với axit (như mặt bàn bằng đá tự nhiên), và trên màn hình thiết bị điện tử (như tivi, điện thoại,….).
Lưu ý 2
Nước vo gạo lần đầu tiên có thể chứa bụi hoặc dư lượng chất bảo vệ thực vật, bạn chỉ nên dùng cho những việc không liên quan đến thực phẩm, như lau chùi, đánh bóng và tưới cây. Hãy dùng nước vo gạo lần 2 hoặc 3 cho việc nấu nướng, sơ chế thực phẩm.
Lưu ý 3
Nước vo gạo chỉ giữ được tối đa 1 ngày ở nhiệt độ phòng. Nếu bạn không dùng hết, hãy đổ vào lọ đậy nắp kín và bảo quản trong trong tủ lạnh ngăn mát từ 3-4 ngày.
7 công dụng hữu ích của nước vo gạo
1. Rửa chén bát
Nước vo gạo có thể rửa sạch bát đĩa không dính dầu mỡ (chỉ đựng bánh kẹo, trái cây,…) – vừa tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường, lại còn giúp da tay mềm mại.
Tuy nhiên với chén bát nhiều dầu mỡ, mình không khuyến khích sử dụng nước vo gạo bởi nó hầu như không có tác dụng. Thay vào đó, bạn hãy dùng nước rửa chén thông thường.
Việc pha trộn nước vo gạo và nước rửa chén không hề làm tăng hiệu quả làm sạch, ngược lại có thể làm giảm đi hiệu quả tẩy rửa bởi phản ứng trung hòa giữa axit và kiềm.
2. Tưới cây
Gia đình nào mê trồng cây có lẽ đều biết đến tác dụng của nước vo gạo với cây trồng. Các vitamin và khoáng chất khác nhau trong nước vo gạo giúp cung cấp dinh dưỡng rất tốt cho cây.
3. Đánh bóng thiết bị nhà tắm
Mọi người truyền tai nhau về việc dùng axit tự nhiên như chanh hoặc giấm để làm sạch và đánh bóng các thiết bị nhà tắm. Tương tự, nước vo gạo cũng là một dung dịch axit nhẹ mà bạn có thể dùng để thay thế chanh và giấm.
4. Khử mùi tanh của cá
Nước vo gạo cũng được dùng để rửa cá nhằm khử mùi tanh. Ngoài ra, nếu bạn muốn món cá khô của mình bớt mặn, hãy ngâm cá khô trong nước vo gạo. Cách này không chỉ giúp giảm độ mặn, mà cá cũng mềm và ít tanh hơn.
5. Khử mùi hộp nhựa
Sau khi xem video chăm sóc nhà cửa của người Hàn Quốc, mình biết thêm mẹo khử mùi hộp nhựa bằng nước vo gạo. Hãy đổ đầy nước vo gạo vào các hộp nhựa bốc mùi của bạn, rồi ngâm trong 30 phút hoặc lâu hơn để thấy hiệu quả!
6. Làm sạch nhớt ốc
Ngâm ốc với nước vo gạo là một mẹo dân gian được nhiều người áp dụng. Ốc sau khi rửa sạch sẽ được ngâm với nước vo gạo trong 2-3 giờ, kích thích ốc mở miệng để nhả hết tạp chất ra ngoài. Nước vo gạo cũng giúp tăng hương vị cho ốc khi chế biến.
7. Làm đẹp da
Có lẽ công dụng nổi tiếng nhất của nước vo gạo là làm đẹp da. Nước vo gạo giàu vitamin và chất chống oxy hóa, vì vậy có tác dụng tốt trong việc dưỡng sáng và giúp da ẩm mịn. Đồng thời, tính axit nhẹ của nước vo gạo giúp lấy đi bụi bẩn và tế bào chết trên da, hỗ trợ se khít lỗ chân lông.
Bạn có thể tận dụng nước vo gạo lần 2 hoặc lần 3 để để rửa mặt, đắp lotion mask hoặc pha cùng bột đậu đỏ để tắm trắng cho cơ thể.
Bài viết này đã tập hợp 7 công dụng của nước vo gạo trong đời sống hàng ngày. Bạn thích công dụng nào nhất, hãy chia sẻ với Ngân nha 😉