Table of Contents
Trước đây, mình là người không siêng năng dọn dẹp cho lắm vì chẳng tìm thấy sự hứng thú trong việc này. Mình khi đó chỉ quan tâm đến những thứ hấp dẫn bên ngoài như học hành, làm đẹp, giải trí và không quan trọng nhà cửa, phòng ốc của mình trông như thế nào.
Sau này khi lớn lên và ở riêng, mình nhận ra việc dọn dẹp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và cuộc sống cá nhân của mình. Vì vậy đây chắc chắn là đầu việc nên được nằm trong danh sách ưu tiên.
Thế là, mình đi tìm lý do vì sao bản thân không thích dọn nhà, để từ đó nghĩ ra 7 cách biến công việc này trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn. Ngân sẽ chia sẻ sâu hơn trong bài viết này nha.
3 nguyên nhân làm mình không thích dọn nhà
Liên kết tiêu cực
Trước đây, mỗi khi nhắc đến dọn nhà là mình tự động liên tưởng đến bụi bặm, mùi hóa chất, áo quần đầy mồ hôi và sự mệt mỏi. Và theo bản chất tự nhiên, chúng ta sẽ ưu tiên sự thoải mái và tránh những việc làm bản thân khó chịu. Vậy nên mình sẽ thích nằm dài lướt điện thoại hơn là dành thời gian dọn dẹp nhà cửa.
Nhưng việc tránh né này chẳng mang lợi ích gì cho mình về lâu dài, thậm chí là tạo ra nhiều vấn đề phải giải quyết hơn. Vì vậy, mình đã học cách liên kết việc dọn dẹp với những điều tích cực hơn, ví dụ như mùi thơm, âm nhạc và cảm giác dễ chịu khi nhà cửa sạch sẽ.
Sự cầu toàn
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng sự cầu toàn lại khiến mình không thích dọn nhà.
Bởi vì mình tự đặt ra những tiêu chuẩn mà không phải lúc nào cũng đạt được, ví dụ như cố gắng dọn dẹp mọi thứ chỉ trong 1 ngày, cố gắng tẩy vết ố trên thảm, hay sàn nhà phải bóng loáng, v.v… Chúng vô tình tạo áp lực không đáng có và khiến mình mất đi niềm vui trong quá trình làm.
Và nếu kết quả làm mình không hài lòng, mình còn có xu hướng tránh né hoặc trì hoãn việc dọn nhà trong những lần sau.
Không nghĩ đến kết quả
Đôi khi, mình sa lầy vào cảm giác mệt mỏi, lười biếng ở hiện tại mà không hình dung bản thân ở tương lai sẽ vui vẻ thế nào khi nhà cửa đã gọn gàng, thơm mát. Vì vậy, mình đã nghĩ ra thật nhiều những lợi ích nhận được để có thêm động lực dọn dẹp nhà cửa.
Để mình kể cho bạn một ví dụ điển hình:
Mỗi khi chuẩn bị xa nhà vài ngày, mình sẽ liên tưởng bản thân khi trở về nhà có thể nằm ườn ra chiếc giường gọn gàng, được uống nước trong ly cốc đã rửa sạch, nhà thơm tho vì rác đã được đổ. Thế là mình lại sốt sắng dọn dẹp trước khi rời khỏi nhà.
7 cách giúp mình yêu việc dọn nhà hơn
1. Phân chia thời gian hợp lý
Mình không còn đặt mục tiêu phải dành vài tiếng đồng hồ, hay cả ngày cuối tuần chỉ để dọn dẹp. Thay vào đó, mình chia việc nhà thành nhiều phần nhỏ và giới hạn thời gian chỉ 15-20 phút, thậm chí chỉ 5 phút để hoàn thành. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, mình lại chọn một đầu việc, bấm đồng hồ hẹn giờ và làm luôn.
Cách chia nhỏ thời gian này giúp việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn mà không làm xáo trộn lịch làm việc và sinh hoạt của mình. Mình có thể linh động bất cứ lúc nào và tránh được mệt mỏi vì dọn dẹp quá sức.
Xem thêm: Phương pháp 20/10 giúp dọn dẹp không còn mệt mỏi
2. Lập danh sách cụ thể
Một sai lầm trước đây của mình là không tập trung vào một nơi cụ thể khi dọn dẹp. Mình chỉ nhìn tổng thể căn nhà và nhận ra nơi nào cũng có việc phải làm, rồi bị choáng ngợp và không biết bắt đầu từ đâu.
Sau này, mình chia nhà thành từng khu vực cụ thể, ví dụ như phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, toilet,… và lập danh sách việc cần làm cho mỗi nơi. Đồng thời, mình áp dụng cách chia nhỏ thời gian như ở trên để mỗi đầu việc không kéo dài quá 20 phút.
Mỗi khi dọn dẹp, mình chọn ra một khu vực và chỉ tập trung vào đó đến khi hoàn thành. Cách này giúp công việc được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn vì đã có to-do list rõ ràng.
Mẹo: Nếu không có nhiều thời gian, bạn không nhất thiết phải xong một khu vực trong một lần duy nhất mà chỉ cần chọn vài đầu việc để làm mỗi ngày thôi. Ví dụ bạn đang muốn dọn nhà bếp, thì hôm nay chỉ cần vệ sinh lò vi sóng, hôm sau vệ sinh bồn rửa, hôm khác dọn tủ đồ ăn, v.v…
Xem thêm: Thanh lọc đồ đạc – Cần bắt đầu từ đâu?
3. Hạn chế sự cầu toàn
Mình đã ngừng kỳ vọng về kết quả “sạch bong – sáng bóng” và không còn so sánh nhà mình với những tấm hình xinh đẹp trên mạng xã hội. Dọn nhà là một việc duy trì thường xuyên, nên chúng ta không cần phải căng thẳng hay cố làm mọi thứ hoàn hảo. Chỉ cần làm đúng khả năng của mình và miễn sao bản thân cảm thấy thoải mái là đủ.
4. Liên tưởng đến lợi ích trong tương lai
Như Ngân đã ví dụ ở trên, mỗi khi bạn cảm thấy khó chịu với việc dọn nhà, hãy nghĩ về những lợi ích tuyệt vời mà mình sẽ nhận được khi làm xong. Đó là động lực mạnh mẽ nhất giúp bạn nhanh chóng thực hiện những việc nên làm.
5. Có một “danh sách động lực”
Đây là danh sách những thứ giúp mình vượt qua cơn lười và biến việc dọn nhà trở nên vui vẻ hơn:
- Quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt
- List nhạc chill trên Youtube
- Tinh dầu cam, chanh, bưởi
- Nến thơm
- Găng tay và khẩu trang
- Những dụng cụ tẩy rửa siêu đỉnh, làm sạch nhanh
6. Tìm cảm hứng và sự hỗ trợ
Các hội nhóm “nghiện nhà” trên Facebook là nguồn cảm hứng để Ngân chăm sóc nơi ở gọn gàng, sạch sẽ hơn. Mình còn tìm thấy trên đó rất nhiều kinh nghiệm giúp kỹ năng dọn dẹp lên một level mới. Bạn có thể tham khảo một nhóm đang rất hot là Nghiện Sạch nha!
Bên cạnh các nhóm cộng đồng, bạn có thể tham khảo thêm các kênh Instagram, Pinterest hoặc Tiktok. Hay đơn giản hơn là trang blog Nhà của Ngân nè 😉
7. Tự thưởng cho bản thân
Một phần thưởng nhỏ sau khi xong việc cũng là cách giúp mình có động lực dọn nhà hơn. Đó có thể là một ly cafe, một bộ phim hay, hoặc là buổi tối chăm sóc da từ đầu đến chân. Chúng ta xứng đáng có phần thưởng vì đã chăm chỉ làm việc mà. 😉
Bài viết này Ngân đã chia sẻ 3 lý do vì sao mình đã từng không thích dọn nhà và 7 cách giúp mình vượt qua điều đó. Nếu dọn dẹp cũng đang là vấn đề khó khăn với bạn, hãy thử áp dụng những cách Ngân chia sẻ và xem hiệu quả nha!