Home Nhà cửaNhà gọn Thanh lọc đồ đạc: Bắt đầu từ đâu?

Thanh lọc đồ đạc: Bắt đầu từ đâu?

by admin

Một lúc nào đó, bạn có cảm giác nhà mình như đang chìm trong đồ đạc không? Phòng khách lỉnh kỉnh những món đồ không tên, bàn làm việc không còn chỗ đặt laptop, kệ bếp lộn xộn gia vị cũ và mới,… Đã đến lúc để bạn làm mọi thứ ngăn nắp hơn, hay còn gọi là “thanh lọc đồ đạc” (decluttering).

Tuy vậy, không phải ai cũng hào hứng với công việc này 😀

Vì sao việc thanh lọc đồ đạc khiến bạn mệt mỏi?

3 nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy ngán ngẩm khi nghĩ đến việc phân loại và bỏ bớt đồ đạc.

1. Việc này thường mất thời gian và công sức, nhất là khi bạn phải cân nhắc nên vứt đi hay giữ lại món đồ nào đó.

2. Bạn không biết bắt đầu từ đâu để giải quyết mớ lộn xộn.

3. Việc dọn dẹp hay đi kèm với những món đồ kỷ niệm – khiến bạn càng đau đầu hơn vì “bỏ thì thương, vương thì nhà hết chỗ”.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt phần nào những rào cản trên bằng một giải pháp, đó là bắt đầu với những đồ đạc dễ dọn và tốn ít thời gian để quyết định nhất. Khi chúng được dọn xong, không gian sống của bạn đã gọn gàng hơn nhiều và bạn sẽ có động lực để giải quyết những món đồ cần nhiều thời gian suy nghĩ hơn.

Thanh lọc đồ đạc: 11 hạng mục dễ nhất

Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn 11 loại đồ đạc dễ quyết định vứt đi hay giữ lại nhất. Bắt đầu với chúng sẽ giúp bạn có mục tiêu rõ ràng và việc dọn dẹp sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều đó!

Đồ trang điểm và vệ sinh cá nhân

Hãy lướt qua các kệ tủ trong phòng tắm và vứt những chai lọ rỗng hoặc hết hạn. Đồng thời, hãy chọn những món đồ còn mới mà bạn không dùng đến và tặng chúng cho bạn bè, người thân.

Sau đó, bạn làm tương tự với bàn trang điểm. Những món đồ thường bị lãng quên là son, mascara và sản phẩm mini dùng thử.

Sơn móng tay

Còn gì dễ dàng hơn nhỉ? Bạn chỉ cần bỏ đi những loại hết hạn và những màu bạn không dùng nữa. Với những chai sơn móng còn hạn nhưng bị khô đặc lại, bạn hãy dùng dung dịch chuyên dụng để làm loãng và sử dụng như bình thường.

Khăn tắm và ga gối

Hãy phân loại khăn tắm, ga giường và áo gối cũ mà bạn không sử dụng nữa, nhưng đừng vội bỏ đi! Hãy tái sử dụng chúng làm giẻ lau, làm chăn lót cho thú cưng hoặc quyên góp cho các trạm cứu hộ chó mèo.

Dụng cụ vệ sinh nhà cửa

Ngoài việc bỏ bớt bao bì rỗng và sản phẩm hết hạn sử dụng, bạn cũng nên “bye bye” các món đồ “bỏ thì thương, vương thì tội” – dùng thì không thấy hiệu quả nhưng còn nhiều không nỡ vứt đi. Thay vì để nó nằm mãi trong tủ đến khi hết hạn, hãy mạnh dạn bỏ đi để chúng ta có thêm không gian lưu trữ.

Đừng quên “thanh lọc” các dụng cụ vệ sinh như chổi, bàn chải, giẻ lau,… nếu chúng quá cũ và không còn dùng tốt nữa nhé!

Thuốc và vitamin

Tủ thuốc cũng là nơi dễ bị “bới tung” và sắp xếp lộn xộn các loại cũ và mới. Hãy kiểm tra lại hạn sử dụng của những gì bạn đang có và sắp xếp chúng theo phân loại như thuốc, vitamin, sơ cứu,… Việc này không chỉ giúp bạn dễ tìm kiếm mà còn bảo quản thuốc tốt hơn, an toàn cho sức khỏe.

Thư và sách báo

Chắc hẳn nhà ai cũng có một xấp hoá đơn, thư từ, sách, báo,… từ rất lâu mà không được “thanh lọc”. Hãy lấy hết chúng ra và phân thành 4 loại:

  1. Quyên góp: Các loại sách báo còn tốt và vẫn mang lại giá trị sẽ được đem tặng hoặc bán lại cho những ai cần.
  2. Tái chế: Một số giấy tờ còn nguyên vẹn hoặc chỉ sử dụng một mặt giấy có thể được tái sử dụng để đóng gói hoặc làm giấy nháp.
  3. Giữ lại: Hãy giữ lại thư từ, sách báo mà bạn vẫn cần sử dụng sau này.
  4. Rác: Hãy mạnh dạn bỏ đi những gì mà rất lâu bạn không dùng đến, và không cần thiết trong tương lai.

Văn phòng phẩm

Tiếp theo, hãy lướt qua bàn làm việc nào. Bạn nên tập trung dọn dẹp văn phòng phẩm trước và tạm bỏ qua việc phân loại giấy tờ, tài liệu.

Hãy vứt bỏ các loại bút đã khô mực và vật dụng nào không còn sử dụng được nữa. Sau đó bạn sắp xếp các vật lỉnh kỉnh như kẹp giấy, dây thun, giấy note gọn gàng vào các ngăn riêng.

Phụ kiện nhà bếp

Với những người yêu bếp núc, việc sưu tầm các món phụ kiện bếp dễ thương có lẽ là chuyện bình thường. 😀

Những món phụ kiện chiếm nhiều diện tích trong tủ bếp và cần được “thanh lọc” định kỳ thường là: ly, cốc, bát đĩa, các loại muỗng nĩa, v.v…

Hãy chọn ra những loại bạn ít khi sử dụng và đóng gói bằng màng bọc thực phẩm, cất vào một góc riêng để “giải phóng” không gian tủ. Hoặc tốt hơn, bạn có thể đem tặng cho người thân, bạn bè để chúng được sử dụng thường xuyên hơn, không còn nằm một góc lãng phí.

Thực phẩm

Các loại thực phẩm tươi, khô và đóng hộp cũng là hạng mục mà bạn có thể dọn rất nhanh chóng. Hãy kiểm tra và bỏ đi các thực phẩm đã hỏng hoặc hết hạn. Những nơi cần dọn sẽ là tủ đựng thực phẩm khô, tủ lạnh và ngăn đông.

Xem thêm: Không còn bỏ phí thức ăn chỉ với 1 chiếc hộp trong tủ lạnh

Gia vị

Mình thích thử nhiều loại gia vị, vì vậy tủ bếp thường lộn xộn nhiều món khác nhau. Nếu không dọn dẹp thường xuyên, mình sẽ quên mất những loại gia vị đang có ở nhà và khi cần thì rất khó tìm. Thậm chí một số loại gia vị chỉ được dùng 1-2 lần cho món đặc biệt nào đó và nó sẽ nằm mãi trong tủ đến khi hết hạn.

Bạn hãy dọn dẹp chúng tương tự như thực phẩm và sắp xếp chúng theo tần suất sử dụng sao cho dễ tìm nhất.

Đồ chơi và đồ dùng cho thú cưng

Các bạn nuôi chó mèo thường sẽ mua nhiều quần áo, đồ chơi cho các boss nhỉ?

Bạn hãy gom đồ đạc của boss lại và phân thành 4 loại: đồ chơi, phụ kiện, quần áo và thuốc, sau đó lọc ra những gì cần giữ loại hoặc vứt bỏ. Bạn có thể đem tặng hoặc quyên góp những món đồ còn tốt mà bạn không còn nhu cầu sử dụng.

Công cuộc “thanh lọc” đồ đạc sẽ nhẹ nhàng hơn khi bạn có một khởi đầu dễ dàng. Ngân mong rằng bạn có thể cải thiện không gian sống của mình bằng cách bắt đầu với 11 hạng mục trong bài viết nha!

Có thể bạn cũng thích

Leave a Comment

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Copyright @2023 Nhà của Ngân

DMCA.com Protection Status