Table of Contents
Thanh lọc đồ đạc trong nhà (decluttering) là một quá trình không mấy dễ dàng, khi bạn phải đầu tư thời gian, năng lượng và sức mạnh tinh thần để vượt qua nhiều cảm xúc khó tả. Hãy cùng Ngân khám phá 5 cảm xúc thường gặp khi chúng ta bỏ bớt đồ đạc và cách để đối diện với chúng.
Bạn có gặp phải 5 cảm xúc này khi bỏ bớt đồ đạc?
1. Cảm xúc tiếc nuối:
Ngay cả khi món đồ không còn được sử dụng, chúng ta vẫn dấy lên cảm giác tiếc nuối khi phải loại bỏ chúng. Điều này xuất phát từ nỗi lo “lỡ như trong tương lai mình sẽ cần đến” hoặc là không mua lại được món đồ tương tự.
Để vượt qua cảm giác tiếc nuối khi bỏ bớt đồ đạc, bạn hãy tập trung vào lợi ích mà mình nhận được ở hiện tại – ví dụ như căn nhà sẽ gọn gàng, thoáng mát hơn. Ngoài ra, bạn có thể lượn quanh các shop online để xem món đồ đó phổ biến như thế nào và giá trị của nó ra sao. Nếu nó không đắt tiền và được bán rộng rãi, bạn sẽ yên tâm rằng mình vẫn ổn nếu có phát sinh nhu cầu trong tương lai.
2. Cảm thấy có lỗi
Việc loại bỏ các món đồ gắn liền với kỷ niệm (như quà tặng hay vật dụng hồi tuổi thơ) có thể làm bạn thấy có lỗi với những người thân yêu. Thế là bạn không nỡ ra quyết định dù chúng mãi nằm một góc bám bụi.
Theo Marie Kondo, một chuyên gia dọn dẹp nhà cửa, đôi khi những món quà chỉ là cách chúng ta truyền tải cảm xúc cho nhau. Những gì bạn lưu luyến là cảm xúc của bản thân khi nhận được chứ không phải vì món quà. Chúng ta giữ lại vật kỷ niệm là để hồi tưởng lại cảm xúc đó một cách chân thật nhất, đồng thời cũng thể hiện sự trân quý với người tặng.
Để giảm đi cảm giác có lỗi, bạn có thể lưu lại hình ảnh của những món quà đó và viết lại những cảm xúc của mình khi nhận được. Cách này giúp bạn “sống” lại khoảnh khắc hạnh phúc mà không cần phải nhìn thấy hoặc chạm vào “hiện vật”, mà người tặng cũng cảm thấy được trân trọng.
Nếu bạn vẫn không thể ra quyết định, hãy tham khảo 2 tiêu chí mà Ngân hay áp dụng dưới đây. Vật kỷ niệm nào thoả 1 trong 2 tiêu chí sẽ được mình giữ lại.
- Món quà được tặng bởi những người quan trọng trong cuộc đời mà mình nhất định sẽ hối tiếc nếu bỏ đi;
- Món đồ mà mình thường xuyên nhớ đến và lấy ra ngắm nghía.
3. Cảm thấy căng thẳng
Việc loại bỏ đồ đạc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, khiến một số người không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần.
Để giảm bớt những áp lực khi thanh lọc đồ đạc, bạn cần lập kế hoạch từ đầu để nắm rõ những việc cần làm và nên bắt đầu từ đâu. Đừng cố gắng hoàn thành mọi việc chỉ trong một ngày mà hãy chia việc thành nhiều phần nhỏ trong thời gian dài hơn.
Bạn có thể áp dụng phương pháp 20/10 để kết hợp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giúp quá trình dọn dẹp hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, bạn có thể lập danh sách công việc theo ngày, tuần, tháng như trong bài viết dưới đây.
Xem thêm: Danh sách vệ sinh bếp định kỳ có thể bạn sẽ cần
4. Cảm thấy nhẹ nhõm
Khi không gian xung quanh trở nên gọn gàng và rộng rãi hơn nhờ việc loại bỏ những vật dụng không cần thiết, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và tinh thần thư thái hơn vì không còn phải sống trong cảnh đồ đạc chật chội.
Không chỉ vậy, việc giảm bớt đồ đạc giúp “bộ nhớ” của bạn được giảm tải, không còn lo âu về những món đồ quan trọng bị thất lạc. Đồng thời, mức độ tự tin và hài lòng về bản thân cũng được nâng cao vì bạn đã thực hiện một sự thay đổi tích cực cho không gian sống.
5. Cảm thấy đầy năng lượng
Việc loại bỏ đồ đạc dư thừa còn mang cho bạn cảm giác kiểm soát và tự chủ về không gian sống, bởi bạn đã nắm rõ hơn về lượng đồ đạc mình đang sở hữu cũng như vị trí của chúng trong nhà. Khi những mối quan tâm nhỏ nhặt thường ngày đã được loại trừ, bộ não của bạn nay đã có chỗ dành cho những ý tưởng hay ho và nhờ đó nâng cao năng suất làm việc.
Bài viết này đã “điểm danh” 5 cảm xúc bạn có thể gặp phải khi thanh lọc đồ đạc. Khi nhận diện được cảm xúc và có cách vượt qua chúng, quá trình dọn dẹp của bạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều!